Trang chủ Công nghệ Cuộc đời của ‘cha đẻ’ Adobe

Cuộc đời của ‘cha đẻ’ Adobe

by webshare
1,1K views

Tuy sáng lập một doanh nghiệp tầm cỡ, Chuck Geschke không bao giờ coi mình là một doanh nhân. Ông tự nhận bản thân là một kỹ sư mong muốn tạo ra sản phẩm mà cả nhân loại đều dùng.

Ngày 16/4, Chuck Geschke, nhà khoa học về máy tính và là một doanh nhân, người đã phát minh ra cách để chia sẻ và in tài liệu kỹ thuật số, trong đó có ứng dụng PDF phổ biến hiện nay, đã qua đời ở tuổi 81.

Cha đẻ phần mềm Adobe qua đời

Vợ của ông, bà Nan, chia sẻ ông mất do bệnh ung thư tại nhà riêng ở California.

Bước ngoặt cuộc đời

Chuck Geschke tên đầy đủ là Charles Matthew Geschke, sinh ngày 11/9/1939 tại Cleveland. Mẹ ông, bà Sophia Geschke, làm việc cho tòa án ở Cleveland. Cha của ông, Matthew là một thợ khắc bản kẽm. Công việc của ông ấy là làm ra các tấm bảng dùng để in báo và tạp chí.

Cha của Chuck Geschke thường nói với con trai mình rằng có hai công việc mà ông nên tránh: In ấn và chứng khoán. Trong một khoảng thời gian, Chuck Geschke đã từng nghĩ sẽ nghe theo lời khuyên này của cha.

Chuck Geschke từng theo học tại một trường trung học Công giáo ở Cleveland và tiếp tục học làm cha sứ tại một tu viện sau đó. Tuy nhiên, ông đã bỏ dở việc học làm linh mục vì cảm thấy công việc này không dành cho mình.

Cuộc đời của 'cha đẻ' Adobe

Chuck Geschke từng nghĩ mình sẽ trở thành một linh mục theo lời khuyên của cha mình, cho đến khi bước ngoặt trong cuộc đời ông xảy ra vào những năm 1960. Ảnh: Genk.

Ông đăng ký vào Đại học Xavier ở Cincinnati và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Sau đó, ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ toán học, trước khi làm giáo sư dạy toán tại Đại học John Carroll, một trường đại học Công giáo nhỏ ở Cleveland.

Cuộc đời của Chuck Geschke chỉ rẽ sang một hướng khác vào giữa những năm 1960, khi ông khuyên một sinh viên dừng học đại học để theo đuổi công việc yêu thích. Một săm sau, cậu sinh viên đó quay lại, nói với ông rằng: “Điều tốt nhất thầy từng làm là đuổi em”.

Chàng sinh viên ngày ấy giờ là một người bán máy tính tại công ty General Electric, với mức thu nhập mơ ước. Chính anh đã hướng dẫn cho Chuck Geschke viết những chương trình đơn giản trên những chiếc máy tính lớn thời đó.

Chương trình đầu tiên mà Chuck Geschke viết là một ứng dụng để in thiệp thông báo ra đời của con gái ông.

Không lâu sau, ông đăng ký học bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh, Pennsylvania, và trở thành một trong những sinh viên học tiến sĩ đầu tiên của đất nước.

Khởi đầu của công nghệ in từ máy tính để bàn

Đến năm 1972, ông nhận bằng tiến sĩ và làm việc tại trung tâm nghiên cứu Xerox PARC.

5 năm sau đó, Chuck Geschke cùng với tiến sĩ Warnock đã phát minh ra một chương trình mới, cho phép máy tính tạo ra định dạng tài liệu dùng cho máy in.

Những đồng nghiệp khác tại PARC cũng đồng thời phát triển ra một mô hình máy tính cá nhân, gọi là Alto, có giao diện đồ họa phù hợp với chương trình mà Chuck Geschke và Warnock đã viết.

Cuộc đời của 'cha đẻ' Adobe

Hệ thống máy tính để bàn và máy in thời kỳ đầu, chạy nền tảng PostScript của Chuck Geschke. Ảnh: Pinterest.

Tuy nhiên, cấp quản lý tại Xerox lại nói rằng công ty chỉ có thể đưa công nghệ mới này ra thị trường trong khoảng 7 năm nữa. Chuck Geschke lúc ấy nghĩ rằng mình sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn nếu làm theo kế hoạch của công ty, vì vậy ông xin nghỉ việc tại Xerox và thành lập công ty của riêng mình, gọi là Adobe.

Chuck Geschke và Warnock ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu công nghệ in mới mà họ đặt tên là PostScript. Năm 1983, Steve Jobs, đồng sáng lập của Apple, từng đề nghị mua lại công ty khởi nghiệp nhưng Chuck Geschke từ chối.

Đến năm 1984, khi Apple ra mắt Macintosh, khuôn mẫu cho máy tính để bàn, máy tính xách tay và điện thoại thông minh ngày nay, cùng với LaserWriter, dòng máy in đi kèm.

Hãng này đã dùng nền tảng PostScript của Adobe để chạy cho máy in LaserWriter. Kể từ đó, Adobe trở thành một phần thiết yếu trong công nghệ in văn bản từ máy tính để bàn.

‘Tôi không phải là doanh nhân mà là kỹ sư’

Trước đây, bất kỳ ai muốn in tờ rơi, bản tin, báo cáo kinh doanh hoặc danh mục đều cần đến sự trợ giúp của một cửa hàng in chuyên nghiệp. Nhờ PostScript, các doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể tự xử lý công việc này.

Một năm sau sự kiện giới thiệu LaserWriter, Adobe ra mắt công chúng vào năm 1986, và trở một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới, với giá trị thị trường là vào khoảng 245 tỷ USD.

Những năm sau đó, Adobe tiếp tục phát triển một loạt công cụ phần mềm khác để tạo và in tài liệu như Acrobat, Illustrator và Photoshop, là những cái tên quen thuộc trên màn hình máy tính cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, phát minh có tầm ảnh hưởng nhất có lẽ là một phiên bản PostScript dành cho thời đại Internet: Định dạng Tài liệu Di động hay PDF, một cách thức gửi và in tài liệu từ mọi máy tính dựa vào kết nối Internet.

Cuộc đời của 'cha đẻ' Adobe

Tổng thống Obama trao huân chương danh giá cho Chuck Geschke và Warnock cho những cống hiến của mình năm 2009. Ảnh: New York Times.

Chuck Geschke giữ chức giám đốc điều hành của Adobe trong hai năm và chức chủ tịch công ty cho đến năm 2000. Ông đồng thời cũng là đồng chủ tịch hội đồng quản trị cho đến năm 2017.

Năm 2009, Tổng thống Barack Obama trao tặng Chuck Geschke và Warnock huy chương Quốc gia về Công nghệ và Đổi mới cho những cống hiến cho sự phát triển của máy tính và công nghệ in ấn.

Mặc dù đã xây dựng nên một trong những công ty lớn mạnh nhất thế giới, Chuck Geschke không bao giờ coi mình là một doanh nhân, ông thường nói rằng mình chưa bao giờ học kinh doanh và chỉ đọc một cuốn sách về lĩnh vực này.

Trái lại, ông tự xem mình như một kỹ sư. “Các kỹ sư đều mơ ước xây dựng được một cái gì đó mà hàng triệu người sẽ sử dụng. Đó là động lực và là mục tiêu cuối cùng của họ“, ông nói.

bình chọn

Bài viết liên quan

Webshare

Chia sẻ thông tin kết nối cuộc sống, trên trang web này người dùng có thể tìm thấy các bài viết về sức khỏe, gia đình, mối quan hệ, công việc, tài chính và nhiều chủ đề khác liên quan đến cuộc sống hằng ngày.

Newsletter

Theo dõi Bản tin của tôi để biết các bài đăng, mẹo và ảnh mới.

Bài viết mới

@2023 – All Right Reserved.